An nhàn tại tâm – Lộn xộn 2

An nhàn tại tâm - Lộn xộn 2 3

Nhân một dịp dậy sớm sửa soạn, áo áo quần quần để đi đám cưới Thoại cho kịp giờ, đãi ở nhà nên mời 11h30, thì định bụng chắc cỡ 11h tới là vừa, tới sớm xíu, đặng còn xin tấm hình lúc đôi tân lang tân nương chưa tất bật đón khách.

Mọi ngày, mình ra khỏi nhà và đến quán quen để ngồi đồng làm việc, lúc này phố phường đã đông đúc hết rồi, bữa nay thì không. Bởi đi sớm, mọi cảnh vật hai bên đường rất khác, cảm giác lạ lẫm nhưng có gì đó rất thân quen.

Trên đường lúc đầu cũng không mấy ai, cảm giác dần dần ra khỏi thành phố, cây xanh hai bên dường dần dà dày hơn, mảng xanh chiếm lấy không gian, mặc dù khúc chỗ mình đa số cũng là cao su, điều, mấy cây công nghiệp mà xét ra thì nó hông có đẹp! Nhưng có việc hai cô chú chở nhau đi từ sớm, mua cây giống và mua vật tư nông nghiệp trên đường về, làm mình suy nghĩ.

Viêc chúng ta ở thị thành, lâu lâu xa bốn bức tường và trải nghiệm những thứ ở đồng quê cây cỏ, và chúng ta chỉ thấy kết quả của sự chăm hái, nơi nỗi lo về những giọt mồ hôi đổ không lớn bằng ông trời năm nay không chiều lòng người nông dân.

Đợt dịch thứ hai, khoảng 2020 – 2021, người ta cũng đổ xô nhau “bỏ phố về vườn”, mong một cuộc sống an yên thanh bình, có ếch ruộng cua đồng, trồng gì ăn đó. Rồi người ta cũng mộng tưởng, mua miếng đất, làm nhà vườn thì có nơi để gia đình tụ họp, an dưỡng.

Nhưng, mọi người lại quên mất, căn nhà vườn đó sẽ thiếu mảng xanh nếu không có sự chăm sóc thường xuyên, thiếu đi sự tần tảo và toàn tâm với ngôi nhà đấy. Không nói đến việc mình thuê hẳn người chăm sóc vườn tược mỗi tuần.

Mình cho rằng, mong ước đó không sai, tuy nhiên chúng ta thường bị truyền thông đặt vào tâm trí những suy nghĩ nơi chỉ có kết quả đẹp đẽ, còn những cơ cực đằng sau đó thì rất ít được nhắc đến. Mình cũng suy nghĩ về vấn đề an yên, khi tâm mình chưa an thì liệu có tìm được bình yên? Có phải chăng chính ta đang mơ hồ về sự an nhàn? Ở đô thị ta có thể an yên? Hay, khi nào là phù hợp?

Cũng trên cung đường ấy, đã rất lâu rồi, mình lại được nhìn thấy những cây cầu cũ, kênh nước đục ngàu trong những ngày mưa âm u, chờ trực trút những cơn mưa nặng hạt xuống phồ phường.

Những ngày mưa cũ, ba thường chở mình trên chiếc Giấc mơ Thái (Dream Thái) huyền thoại, tuồn tận vào hang cùng ngõ hẻm, vô tới buôn đồng bào để câu cá. Cảm giác dựt được con cá trạch, cá biệt kích ăn liên hồi, rất đã tay, nhưng không vui bằng cảm giác được ngồi sau lưng ba. thám hiểm thế giới mà với mình lúc đó, ra khỏi xóm nhỏ là cả bầu trời mới.

Chưa kể mấy lúc ôm cua không khác gì đua xe thiện nghệ, nhất là mấy khúc đường cua gấp, ba ôm cua, mình ôm ba, muốn để lại con tim ở đường.

Sau những buổi đi câu như thế, bao nhiêu là cá đồng, trèn – trạch – thát lát – trê – lăng….thập cẩm trong cái bao đựng gạo 10kg, xổ cá ra cái thau nhôm móp được truyền lại nhiều đời, sẽ kèm tiếng càu nhàu của mẹ. Vừa làm mẹ sẽ nói mấy câu kiểu:

Cá gì mà rí rí vầy làm cực muốn chết

Mẹ

Rồi cuối cùng sao? Bữa đó sẽ ăn cơm muộn hơn, vì mình với ba câu về đã xế chiều, xong còn chờ mẹ làm cá và nấu mấy món dính cơm, và mọi sự chời đợi đều bõ công.

Dở cái thố đất ngút khói sẽ là mùi thơm từ nước mắm và gia vị sộc vào khứu giác, cá đồng kho tộ và mấy miếng ba rọi xắt nhỏ, còn rõ mồn một tiếng xì xèo trong thính giác, cá trong đó còn nảy nảy lên do bong bóng nước sôi sẽ là cái tiếp theo thu vào thị giác.

Rồi thêm tô canh măng chua cá lăng, cá không to, nhỏ nhỏ hai – ba ngón tay nhưng kiểu gì thì nó cũng hết, thiếu điều nhai luôn xương. Tô canh sẽ rất thiếu nếu không có chút rau ngổ – ngò gai – hành lá xắt nhuyễn. Vị đặc trưng sẽ là chua chua từ măng chua (đương nhiên) và ngọt thanh của mấy con cá đồng, à, nó còn có vị của tình thân nữa, là những gì tinh tuý và yêu thương nhất, mà mẹ đặt cả tấm lòng vào từng món ăn.

Hình như mình đi hơi xa, nên chắc bữa nay dừng ở đây, thực ra là tới nhà Thoại rồi, vào ăn cưới thôi, để bữa sau kể tiếp chuyện (I/me) mình hay (We/us) ta, kiện toàn bộ máy, giá trị nhân sự, hen!

Exit mobile version